Nguồn cung chip bán dẫn, tấm nền khan hiếm khiến giá TV trên thế giới và Việt Nam bắt đầu tăng nhẹ, dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Có nhu cầu mua TV cỡ nhỏ cho phòng bếp, sau khi xem giá mới cập nhật ở một siêu thị điện máy, anh Ngọc Quân (Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ vì giá tăng khá nhiều. “Trước Tết, TV 32 inch của một thương hiệu nổi tiếng là 2,4 triệu đồng, giờ tôi tìm lại để mua thì đã lên 3,6 triệu đồng”. Theo thống kê, hiện rất ít thương hiệu còn kích thước nhỏ này, nếu có, giá cũng không thấp hơn 3 triệu đồng.
Đào Tuấn, quản lý một cửa hàng điện máy trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết, các mẫu TV cỡ nhỏ bắt đầu tăng giá từ đầu năm nay. Theo Anh Tuấn, trước đây, những mẫu TV 32 inch, nếu vào đợt “sale”, giá có thể chỉ 2 triệu đồng, nhưng hiện tại model rẻ nhất của một thương hiệu Trung Quốc ít tên tuổi cũng đã 3,3 triệu đồng.
Hiện tại, ngoài TV cỡ nhỏ, TV kích thước trên dưới 55 inch chưa ghi nhận thay đổi gì đáng kể.
Ông Quang Vũ, Tổng Giám đốc một hệ thống điện máy lớn tại Việt Nam, cho biết, thị trường TV đã có dấu hiệu tăng giá từ vài tháng trước, dự kiến sẽ tăng mạnh nửa cuối năm nay. TV đã cỡ nhỏ tăng từ 40 đến 50% giá. Sắp tới, các mẫu cỡ lớn trên 50 inch – kích thước đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam – cũng sẽ tăng gần 10%. “Hiện tại thị trường vẫn chủ yếu là các model 2020 với giá giảm một phần so với niêm yết cũ nên người dùng chưa nhận thấy sự thay đổi. Khi các model 2021 bán ra với giá cao hơn đáng kể năm ngoái, thị trường sẽ có biến động lớn”, ông Vũ nói.
Ông Thanh Hải, quản lý bán hàng của một thương hiệu TV lớn, chia sẻ, giá TV tại Việt Nam không nằm ngoài quy luật tăng giá chung của thị trường. “Việc thiếu nguồn cung chip bán dẫn, tấm nền khiến giá thành sản xuất tăng cao. Các hãng buộc phải điều chỉnh giá bán TV 2021 thời gian tới”.
Đầu năm nay, TV trên thị trường thế giới cũng bắt đầu tăng giá. Theo Livemint, chỉ trong tháng 3/2021, giá tầm nền màn hình (vốn chiếm 60% giá trị của một chiếc TV) đã tăng 35% trên thị trường toàn cầu. Chỉ trong 8 tháng, giá linh kiện tấm tinh thể lỏng open cell đã tăng gấp 3 lần. Ở thời điểm đầu cuộc khủng hoảng nguồn cung, các hãng TV đều chọn cách cắt giảm lợi nhuận để bình ổn giá trong bối cảnh doanh số vốn đã bị sụt giảm bởi dịch Covid-19.
“Không còn cách nào khác ngoài việc phải tăng giá”, Eric Braganza, Chủ tịch của Haier tại Ấn Độ nói. “Giá của tấm nền đã tăng rất nhiều lần và xu hướng là nó vẫn tiếp tục tăng”. Trong khi đó, Vijay Babu, Phó Giám đốc của LG Ấn Độ cho biết hãng đã tăng 7% giá TV từ tháng một và tăng tiếp 3% giá vào tháng 2.
Do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường TV tại Việt Nam năm 2020 ghi nhận mức giảm 11% so với năm 2019, dù giá bán không thay đổi. Theo Trần Phong, chuyên gia về thiết bị nghe nhìn, với việc tăng giá của hầu hết hãng TV, thị trường nhiều khả năng vẫn chưa thể phục hồi trong năm 2021.